Từ khi có con nhỏ, mình đã tìm hiểu và sử dụng quả bồ hòn để thay thế nước rửa bát hoá chất nhưng nếu chỉ ngâm, đun thôi thì độ sạch của nó với những đồ nhiều dầu mỡ chưa thật thuyết phục. Thêm việc đun nấu cũng lích kích và tốn thời gian. Chắc không thể duy trì được lâu với mình.
Cách đây khoảng gần chục năm trên thị trường đồ gia dụng tự nhiên bắt đầu xuất hiện nước enzyme bồ hòn. Dường như chưa tin lắm vào độ rửa sạch của bồ hòn nên mình đã mua thử nước rửa bát enzyme bồ hòn bán sẵn trên thị trường thì thấy oa, đúng là thứ mình đang cần đây rồi. Bát đĩa sạch kin kít mà lại ko bị khô da tay, ko bám mùi hoá chất vào bát đũa, ko tốn nước làm sạch, không phát sinh rác thải hay hoá chất ra môi trường.
Và mình bắt đầu tìm hiểu cách thức, cơ chế làm sạch của nước lên men sinh học. Quả thật cả một kho kiến thức làm sạch thật đơn giản, tự nhiên, hiệu quả từ hàng nghìn năm mà chúng ta đã lãng quên từ lâu để nhường chỗ cho những hoá chất diệt khuẩn (formaldehide, triclosan, perchloroethylene… ), chất hoạt động bề mặt, hương liệu nhân tạo… đi kèm với rác nhựa tràn lan khắp nơi từ thành thị tới nông thôn.
Vậy garbage enzyme là gì?
Đó đơn giản chỉ là các hợp chất hữu cơ được tạo ra từ quá trình lên men của trái cây, củ quả và đường nâu, nước. Và chúng ta thường gọi là enzyme rác nhà bếp hay bio enzyme. Chất lỏng này chính là chất tẩy rửa đa năng tự nhiên, có thể dùng để rửa chén, bát, đồ dùng nhà bếp (thêm nước bồ hòn), lau nhà, cọ toilet (thêm nước bồ hòn), giặt quần áo (thêm nước bồ hòn), rửa rau củ quả, tắm rửa, tưới cây hoặc phòng trừ sâu bệnh cho cây…
Điều tuyệt vời nữa là garbage enzyme sẽ hạn chế được rác thải hữu cơ đổ dồn về các bãi rác chất đống hay chôn lấp.
Công thức lên men rác nhà bếp (gabage enzyme)
Dụng cụ
- 1 thùng nhựa cũ để đựng enzyme
Nguyên liệu
- 1 tsp nấm men yeast (tuỳ ý)
- 1 cup đường nâu (hoặc rỉ mật, đường thô, đường hoa mai…) (1 cup = cỡ 1 bát con)
- 3 cup vỏ trái cây (cam, chanh, quýt, dứa, sả…)
- 10 cup nước
Hướng dẫn
- Bước 1: cắt nhỏ vỏ trái cây, đường (nếu dùng đường phên, đường cục)
- Bước 2: Cho vỏ trái cây, đường vào thùng
- Bước 3: Đổ nước vào thùng. Lưu ý để cách 1 khoảng trống từ mặt nước tới miệng thùng cỡ ¼ thùng để thoát khí gas sinh ra trong quá trình lên men, tránh nổ vỡ bình.
- Bước 4: Đậy kín nắp để phản ứng lên men trong môi trường yếm khí và tránh thu hút côn trùng. Nếu thấy có mùi thum thủm hoặc có dòi là do bạn đậy nắp không kín, lúc này cần cho thêm đường vào đậy kín nắp 1 tháng để kích hoạt lại phản ứng lên men.
Lưu ý
- Nếu không có nấm men bạn có thể bỏ qua.
- Trường hợp bạn muốn làm nhiều hơn, hãy nhân các nguyên liệu còn lại theo tỉ lệ 1:3:10.
Lưu ý:
- Trong tuần đầu tiên, bạn nhớ mở nắp thùng 1 lần/ngày để thoát khí tích tụ trong bình. Tuần tiếp theo, mở cách ngày 1 lần. Những tuần tiếp theo đó, cứ 3 – 4 ngày bạn mở nắp thùng 1 lần.
- Quá trình lên men cần qua 90 ngày trong lần lên men đầu tiên. Những đợt sau, bạn có thể rút ngắn thời gian này bằng cách thêm 1 phần nước men từ lần ủ trước đó. Sau khi hoàn thành quá trình ủ, lớp bã sẽ chìm xuống dưới đáy, lớp nước trong ở phía trên.
- Lọc tách riêng nước và bã enzyme sau khi hoàn tất quá trình. Bạn có thể sử dụng tiếp phần bã này cho lần lên men tiếp theo để rút ngắn thời gian ủ xuống khoảng 1 tháng hoặc hơn chút là dùng được hoặc cho vào đất làm phân bón.
- Trữ nước enzyme thu được trong các chai lọ có nắp kín phù hợp mục đích sử dụng.
Những điều cần biết trong quá trình ủ garbage enzyme:
- Đường nâu: Đường thúc đẩy quá trình lên men, ngăn ngừa mùi hôi từ các nguyên liệu hữu cơ. Vì vậy bạn hãy giữ đúng tỉ lệ đường trong công thức!
- Vỏ trái cây: Đó có thể là vỏ chanh, cam, quýt, bưởi, phật thủ, dứa, sả… bởi chúng có nhiều tinh dầu thơm, có tính làm sạch cao. Tuy nhiên bạn cũng có thể dùng vỏ táo, lựu, thanh long, măng cụt…
- Nấm men: để đẩy nhanh quá trình lên men. Tuy nhiên để ủ enzyme sinh học, bạn hoàn toàn có thể không cần tới. Điểm khác biệt chỉ là nếu dùng men, quá trình ủ sẽ rút xuống còn 45 ngày thay vì 90 ngày.
- Thay một phần nước bằng nước vo gạo cũng giúp thúc đẩy quá trình lên men rút ngắn thời gian ủ.
- Thùng nhựa cũ: lý do không dùng bình thuỷ tinh hay kim loại vì trong quá trình ủ sẽ sinh ra khí carbon dioxide. Trong môi trường yếm khí, khí gas này có thể làm vỡ bình thuỷ tinh hoặc giãn nở bình kim loại. Như vậy, việc ủ nước enzyme ngoài tận dụng rác nhà bếp, bạn có thể tận dụng cả các bình nhựa cũ nữa.
Enzyme bồ hòn là gì?
Trước hết, quả bồ hòn (soap nuts) không xa lạ với những người cao tuổi như bố mẹ ông bà mình. Vì trước khi có xà phòng giặt công nghiệp, thì mọi người chủ yếu dụng quả bồ hòn để giặt giũ, tẩy rửa. Thịt quả “xà phòng” tự nhiên này chứa chất saponizit (18%) tạo bọt tự nhiên, có tác dụng làm sạch hiệu quả, không gây hại cho môi trường.
Quả bồ hòn được thu hoạch từ cây bồ hòn (Sapindus mukorossi), trồng nhiều tại các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên nước ta. Tuy nhiên loại bồ hòn tại Nepal được cho là nổi tiếng và chất lượng nhất thế giới.
Có nhiều cách sử dụng quả bồ hòn để làm chất tẩy rửa: đun nấu để chiết dịch bồ hòn, dùng trực tiếp quả bồ hòn buộc trong túi lưới để giặt đồ trong máy giặt hoặc bồn nước toilet, dùng bột bồ hòn… Bã bồ hòn sau khi sử dụng có thể đem ủ phân xanh, tốt cho vườn cây. Theo kinh nghiệm, sau khi tẩy rửa bằng nước bồ hòn hoàn toàn không lưu lại mùi. Nếu cần làm sạch hơn, chỉ cần thêm nước nóng hoặc tăng lượng bồ hòn mỗi lần sử dụng.
Như mình đã nói ở trên enzyme sinh học đã là chất tẩy rửa đa năng tự nhiên tuyệt vời thay thế hoá chất công nghiệp tuy nhiên khả năng tẩy rửa sẽ gia tăng đáng kể khi mình kết hợp cả bồ hòn vào quá trình ủ này.
Có 2 cách kết hợp:
- Lấy 2 phần dung môi garbage enzyme + 8 phần nước, 1 phần đường và 3 phần bồ hòn. Thời gian ủ từ 1 – 2 tuần.
- Thay một phần rác nhà bếp bằng bồ hòn và lên men theo tỉ lệ, quy trình như trên.
Bất kể sống ở thành phố hay thôn quê thì làm và dùng enzyme bồ hòn thay chất tẩy rửa công nghiệp đã là một thói quen thường ngày của mình. Mình không thấy có gì bất lợi hay lích kích mà ngược lại rất hạnh phúc. Bạn hãy thử làm và cảm nhận nhé!