Giấm táo – Hướng dẫn làm giấm tại nhà

56

Giấm táo là thành phẩm thu được sau quá trình lên men táo và đường. Mặc dù giấm táo không chứa nhiều vitamin và khoáng chất nhưng chính axit acetic – hợp chất chính tạo mùi và vị của giấm lại mang nhiều ích lợi cho sức khoẻ, theo những nghiên cứu gần đây. 

Trong giấm thô (không lọc) còn cái giấm (giấm mẹ) chứa một số axit amin, enzyme, lợi khuẩn…có ích cho hệ miễn dịch đường ruột, khiến giấm táo đã được sử dụng phổ biến trong nhiều phương pháp chăm sóc sức khoẻ thay thế. 

Công dụng chính của giấm táo có thể kể ra như:

  • Tiêu diệt vi khuẩn, nấm: mình vẫn thường dùng giấm pha loãng để ngâm rau củ quả, khử mùi tủ lạnh, tẩy rửa vết bẩn trong bếp, thậm chí còn thay cho chanh khi gội đầu làm mềm tóc… Hippocrates, cha đẻ của y học hiện đại cách đây hơn 2000 năm cũng đã dùng giấm để rửa vết thương. 
  • Giúp giảm lượng đường trong máu và kiểm soát bệnh tiểu đường: Lượng đường trong máu cao có thể làm gia tăng tốc độ lão hoá và các bệnh mãn tính khác. Một thử nghiệm lâm sàng năm 2019 cho thấy sử dụng giấm táo có lợi cho những người bị tiểu đường và rối loạn lipid máu trong giảm chỉ số đường huyết và oxy hoá. Nếu bạn đang dùng thuốc tiểu đường, cần tham vấn bác sĩ trước khi sử dụng giấm táo! 
  • Hỗ trợ giảm cân: Giấm táo chỉ chứa khoảng 3 calo/tbsp (thìa canh). Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng giấm táo làm tăng cảm giác no, khiến mọi người ăn ít hơn và giảm cân. 
  • Cải thiện sức khoẻ tim mạch: Một số loại thuốc có chứa axit axetic ở dạng cô đặc và các nghiên cứu đã xem xét vai trò của axit axetic trong việc cân bằng lượng đường trong máu, huyết áp và làm tan các cặn cholesterol trong động mạch.
  • Tăng cường sức khoẻ làn da: Sử dụng giấm táo pha loãng bôi tại chỗ có thể giúp cân bằng lại độ pH tự nhiên của da, cải thiện hàng rào bảo vệ da. với đặc tính kháng khuẩn, giấm táo pha loãng có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng da hoặc sử dụng trong sữa rửa mặt hoặc toner.

Cách dùng giấm táo đơn giản nhất là bổ sung trong món ăn mỗi ngày như: trộn sốt salad, mayonnaise hoặc pha loãng 1-2 thìa cà phê/tsp (có thể tăng tới 1-2 thìa canh/tbsp) với nước lọc và mật ong tuỳ ý uống buổi sáng. Tuy nhiên nếu được bạn hãy ưu tiên sử dụng loại giấm táo làm từ táo hữu cơ, còn cái giấm tự nhiên. 

Thật hay là mình hoàn toàn có thể tự làm loại giấm này tại nhà. Đã hơn 5 năm nay bếp nhà mình cũng chỉ dùng giấm tự làm, luân phiên thay đổi nguyên liệu từ táo tây đến táo mèo, dứa, khế đến các loại quả ngọt như hồng giòn, nho… Tuỳ theo mùa có sẵn quả gì mình sẽ làm giấm với quả đó. Đồ ăn từ bếp nhà cũng tự nhiên và thơm lành dần, không còn chỗ cho thực phẩm hoá chất công nghiệp. Từ công thức này bạn hãy mạnh dạn ứng dụng làm giấm từ các loại quả xem sao nhé! 

Tự làm giấm táo

Không chỉ là gia vị cần thiết trong bếp, giấm táo còn được xem như một sản phẩm thay thế xanh lành trong vệ sinh gia dụng và chăm sóc sức khoẻ. Làm giấm táo tại nhà không khó chỉ cần bạn bỏ chút công sức sẽ thu được thành phẩm ngon hơn bất kì chai dấm công nghiệp nào.

Dụng cụ

  • 1 Bình thuỷ tinh dung tích 3 lít
  • 1 Dao, thớt
  • 1 Miếng vải sạch
  • 1 Máy ép hoặc máy xay rau củ

Materials

  • 500 gram táo, rửa sạch, bỏ lõi và hạt thái hạt lựu cỡ 1- 1,5cm
  • 120 gram đường mía hữu cơ hoặc đường mía thô, đường cát lu
  • 2 lít nước khoáng hoặc nước lọc không chứa clo
  • 120 ml giấm táo thành phẩm giấm thô, chưa lọc

Hướng dẫn

  • Tráng bình thuỷ tinh bằng nước sôi và úp cho khô ráo. Tớ dùng bình dung tích 3 lit.
  • Sơ chế táo: Táo rửa sạch, ngâm với nước pha giấm để sát khuẩn. Lau khô táo bằng khăn sạch rồi thái hạt lựu, bỏ lõi và hạt. Giữ nguyên vỏ nếu bạn dùng táo hữu cơ.
  • Hoà tan nước và đường
  • Cho táo vào bình. Đổ nước đường ngập táo.
  • Chụp miệng bình bằng miếng vải sạch.
  • Để bình táo vào chỗ khô, ấm, thoáng khoảng 2 tuần hoặc đến khi thấy táo gần chìm hết xuống đáy.
  • Vớt táo ra ép lấy nước. Bạn dùng máy ép trái cây sẽ tiện hơn. Nếu không có thể xay bằng máy xay sinh tố với 1 chút nước ngâm táo rồi vắt lọc lấy nước.
  • Đổ nước táo ép cùng 1/2 cup (120ml) giấm táo vào bình. Phủ miệng bình bằng miếng vải sạch.
  • Để bình giấm vào chỗ ấm, tối, thoáng khoảng 6 tuần tiếp theo hoặc đến khi giấm đủ độ chua như bạn muốn.
  • Lúc này bạn sẽ tháo tấm vải bọc miệng bình và đóng nắp kín hoặc chia ra các chai nhỏ để dùng dần.

Lưu ý

Với những loại quả chua như táo mèo, khế… tớ chỉ cần lên men với đường mà ko cần dùng giấm mồi cũng tự xuất hiện con giấm như này sau một thời gian. Tuy nhiên bạn cần lưu ý đảm bảo nguồn nước và môi trường nuôi giấm phù hợp! Như bình giấm táo ở trên, mình dùng nước giếng khoan đã lọc, đun sôi để nguội, bình giấm nuôi cách xa nguồn phát wifi…thì một thời gian tự lên cái giấm rất dày, đẹp. 
Chúc bạn làm thành công.

Bài viết tham khảo thông tin từ healthline.com

Close
Your custom text © Copyright 2020. All rights reserved.
Close