Chăm dưỡng hương thảo & Tạo nước cất thảo mộc tại nhà

24

Mình bắt đầu trồng hương thảo từ năm 2018. Tới giờ trong vườn gần như lúc nào cũng có ít nhất một chậu hương thảo. Nó thu hút mình từ dáng vẻ bên ngoài tới hương thơm trên từng kẽ lá. Đây là cây gia vị Âu nhưng khá phổ biến ở Việt Nam vì đặc tính ưa nắng nóng, chịu được nhiệt độ cao và nhiều độ ẩm. Tuy nhiên số cây mình trồng bị hỏng nhiều tương đương với những cây nuôi sống được cũng vì cây khá nhạy cảm với độ ẩm, nhiệt độ. Cây to nhất mình từng trồng ở ban công chung cư có tán lá to tới một vòng tay ôm của mình. Cây này thọ được khoảng 3 năm thì cũng không qua được mùa nồm ẩm ở miền Bắc. Khi không cứu được cây, mình đã cắt hết cành và lá của cây để trưng lấy nước cất đủ để mình dùng trong suốt hơn 2 năm sau đó mà vẫn thơm lắm. 

Cách đây hơn 1 tháng, tình cờ trong một lần ghé vào hàng cây ở gần chỗ mình sống ngắm cây, mình thấy có 1 gốc cây hương thảo méo mó, ướt đẫm và đen 1/2 thân lá để chỏng chơ cạnh vườn. Mình khá ngạc nhiên vì ở đây, ít người biết và chơi cây này. Nhìn cây mà thương quá nên mình vội nhặt ngay ra hỏi bác chủ để mua về. Chưa kịp hỏi thì bác đã bảo cho luôn về mà làm gia vị, bác bỏ rồi ^^. Vậy là mình quyết tâm cứu cây một lần nữa. Nhìn ngọn cây vẫn còn khá tươi xanh nên mình cũng hi vọng sẽ cứu được. 

Thành quả hiện giờ em hương thảo này đã bắt đầu nhú ra những lá xanh non khiến mình mừng vui mà viết ra những dòng này. Hi vọng những tổng hợp, chia sẻ sau cũng có ích cho bạn, một người yêu và thích chạm vào tự nhiên mỗi ngày.

Tác dụng và đặc tính của Hương thảo

Hương thảo (Salvia rosmarinus) là một thành viên của gia đình bạc hà Lamiaceae. Loại thảo mộc này được ca ngợi từ xa xưa vì các đặc tính chữa bệnh của nó như giảm đau cơ, cải thiện trí nhớ, tăng cường hệ thống miễn dịch và tuần hoàn và mọc tóc. 

Hương thảo thu hút bởi mùi thơm cực kỳ dễ chịu và sảng khoái toát ra từ những chiếc lá. Hầu hết người biết đến hương thảo đều khen ngợi hết lời, khi bạn vuốt nhẹ đôi bàn tay lên tán lá là bạn đã mang mùi thơm đó đi quanh mình. Hương thơm của hương thảo được sử dụng không chỉ trong nấu nướng, pha chế mà còn cả trong liệu pháp trị liệu tâm lý, y học thay thế khá phổ biến ở phương Tây. 

Hương thảo có chứa một thành phần gọi là axit carnosic, có thể chống lại tác hại của các gốc tự do. Hương thơm từ cây hương thảo có thể cải thiện sự tập trung, hiệu suất, tốc độ, độ chính xác của một người có mức dopamin thấp. Những tác dụng chính của cây hương thảo có thể kể như: 

  •   Giảm căng thẳng và cải thiện tâm trạng
  •   Tăng cường trí nhớ
  •   Tăng cường tính miễn dịch
  •   Giúp làm dịu dạ dày
  •   Được sử dụng như một chất làm thơm hơi thở
  •   Giúp kích thích lưu lượng máu
  •   Giúp giảm đau
  •   Chống lão hóa nên nó rất tốt cho da
  •   Giúp thải độc cơ thể ra ngoài
  •   Có đặc tính chống viêm

Những lưu ý chăm sóc hương thảo

Cây hương thảo là loài cây có nguồn gốc từ Địa Trung Hải nên cây thích nghi với biên độ nhiệt độ khá rộng. Tuy nhiên, nhiệt độ lý tưởng nhất để cây sinh trưởng mạnh mẽ là khoảng từ 20 – 32 độ C. Cây hương thảo ưa sáng, thích hợp trồng ở những nơi có không khí thoáng,khả năng chịu hạn tốt nên nếu gặp môi trường đất quá ẩm ướt, đặc biệt là mùa mưa hương thảo có khả năng thối lá và thối rễ rất cao. Vì vậy:

  • Giá thể trồng hương thảo chắc chắn phải thoát nước tốt. Bạn có thể tham khảo công thức sau: Đất : trấu hun: phân (hoại mục) = 1:1:0,5 (lượng đất sét dưới 25%). Các bạn cũng có thể sử dụng thêm xơ dừa, đá nhẹ. Nếu trồng trong vườn cần vun đất lên đảm bảo cây không bị ngập úng vào mùa mưa. Nhiều trường hợp chăm quá tay khiến bộ rễ hương thảo bị hỏng cây bị đen lá toàn thân (giống cây mà mình vừa mang về). 
  • Về ánh sáng: hương thảo cần ánh sáng tự nhiên liên tục từ 6-8h nên bạn có thể đặt hương thảo tại các vị trí có hướng đón ánh nắng thuận lợi, đặc biệt là kèm với gió tự nhiên tạo độ thông thoáng để cây sinh trưởng. Tránh trồng hương thảo trong nhà có thể làm cây thiếu các yếu tố trên. Nếu muốn để hương thảo trong nhà thì phải để cạnh cửa sổ kính, mở cửa thường xuyên và hạn chế tưới nước (Trường hợp này không được tưới nước lên lá và ngọn của cây).
  • Về nước tưới: không nên sử dụng nước máy, nhất là nước có chứa nhiều Clo để tưới nước cho hương thảo. Nên sử dụng nước có nguồn từ tự nhiên như nước mưa, nước giếng khoan, ao hồ… Trường hợp bất khả kháng phải dùng nước máy, cần lấy nước ra xô, chậu (thùng) để một thời gian rồi tưới. Không nên tưới trực tiếp từ vòi lên lá cây vì trong nước có Clo ảnh hưởng tới sự phát triển của lá. Bạn nên tưới nước đủ ẩm không nên tưới quá nhiều và liên tục. Không tưới nước vào giữa buổi trưa nắng. Trung bình, cây hương thảo cần tưới nước hai lần mỗi tuần, tùy thuộc vào kích thước cây và điều kiện khí hậu. Cần để cây thật khô ráo giữa mỗi lần tưới nước vì quá nhiều nước có thể gây thối rễ. Đôi khi rất khó để biết khi nào cây hương thảo cần nước nên hãy trực tiếp kiểm tra đất và nhìn lá cây để bổ sung kịp thời.  Vào mùa hè mưa nhiều, cần đặt chậu cây cao lên trên gạch hoặc di chuyển cây vào ban công có mái che tránh cây bị ướt gốc gây thối lá và rễ. Nếu cây quá nhiều lá có thể tỉa bớt nhánh dưới gốc và tỉa thưa tán cây tránh độ ẩm không khí cao cũng có thể làm nhũn lá (Đây là bài học rút ra sau khi cây hương thảo 3 năm của mình bị hỏng trong mùa ẩm miền Bắc, trước đó cây sum suê làm mình không nỡ cắt tỉa). Còn mùa đông, bạn nên phủ mùn lên mặt đất để giữ ẩm và ấm cho hương thảo. Việc chọn môi trường tăng trưởng phù hợp sẽ giúp hạn chế cây hương thảo bị đen lá hiệu quả.
  • Sâu bệnh: Cây hương thảo hiếm khi bị sâu bệnh nhưng không phải là không có nên cần lưu ý nếu cây có những lớp màng trắng trên ngọn, thân hoặc rệp đen bám vào lá. Mấy lần cây bị rệp đen mình pha hỗn hợp chứa dầu neem để xịt lên lá đồng thời bắt rệp, cắt bỏ những cành bị bệnh nặng, đen lá. 
  • Hương thảo không cần nhiều phân bón. Tuy nhiên, khi cây phát triển chậm hoặc có vấn đề, và các triệu chứng như cây phát triển còi cọc hoặc có màu vàng nhạt thay vì màu xanh tự nhiên, thì việc bón phân là cần thiết. Mình chủ yếu tưới bón cho cây bằng nước ủ rác nhà bếp, nước vo gạo. 
  • Nếu phần ngọn của những chiếc lá hương thảo từ màu xanh sẫm chuyển sang vàng nâu thì có thể là do bạn tưới quá nhiều nước cho cây. Quá nhiều nước sẽ làm ngập rễ và khi rễ bị thương nặng hơn, toàn bộ lá cũng như cành của cây sẽ chuyển sang màu nâu. Cuối cùng, cây hương thảo bị đen lá và chết nhanh chóng. 

Hiểu những đặc tính này nên khi mang chậu hương thảo với bầu đất sũng nước, bị rụng và đen lá 1/2 thân từ gốc về thì việc đầu tiên mình làm là đổi đất và chậu mới cho cây; cắt tỉa hết những cành và phần lá đen. Những ngày sau đó theo dõi tình trạng lá và đất để điều chỉnh lượng nước vừa đủ. Sau hơn 1 tháng, cây bắt đầu hồi sinh ra lá non làm mình rất vui. 

Tự tạo nước cất thảo mộc tại nhà

Mình trồng cây gia vị nhưng chỉ thích để ngắm và hít hà hương thơm mà ít khi cắt hái. Nhưng có lúc cây tốt, đẻ nhánh nhiều thì mình cũng phải tỉa thoáng gốc cây. Những lúc đó để bảo quản gia vị được lâu hay khi không dùng hết ngay mình sẽ làm những món sau: phơi hoặc sấy lạnh để dùng nấu ăn, ngâm dầu hoặc giấm, trưng nước cất. 
Ở trên mình có nhắc tới làm nước cất hương thảo khi không cứu được cây (nhìn chúng héo đi từng ngày mà mình không biết phải làm sao với cả một ôm hương thảo trên tay). Hôm nay mình sẽ chia sẻ thật nhanh cách mình làm nước cất này với những dụng cụ bếp nhà thôi nhé! Lúc làm mình cũng không kỳ vọng nhiều lắm nhưng thật sự qua hơn 2 năm bảo quản ngăn mát tủ lạnh, nước cất hương thảo vẫn thơm mát lắm. Thật kỳ diệu. 
Thời gian chuẩn bị 30 minutes
Thời gian nấu 30 minutes

Dụng cụ

  • 1 nồi rộng inox đế dày, có nắp sạch
  • 1 Bát nhỡ sâu lòng

Nguyên liệu
  

  • Hương thảo nguyên cành (hoặc thảo mộc nhiều tinh dầu khác tuỳ ý)
  • Nước lọc 
  • Đá lạnh

Hướng dẫn
 

  • Xếp thảo mộc đã rửa sạch vào đáy nồi. Đặt bát to ở giữa nồi, thảo mộc xếp xung quanh.
  • Đổ nước lọc ngập mặt thảo mộc. Úp ngược vung nồi. Đun nồi thảo mộc ở mức nhiệt cao cho sôi. Giảm nhiệt ở mức trung bình. 
  • Đổ đá lạnh lên trên mặt nắp nồi. Hơi nước chứa tinh dầu bay lên gặp đá lạnh sẽ ngưng tụ trên nắp và nhỏ giọt vào bát. 
  • Trong khi đun, bạn có thể cần thay đá nếu đã tan hết. Bạn làm như vậy cho đến khi lấy đủ lượng nước cất mình muốn. 
  • Phần lá sau khi trưng có thể thêm nước để đung làm nước tắm hay ngâm chân vẫn thơm lắm nhé!
    Để bảo quản lâu: Tiệt trùng kỹ chai lọ tiếp xúc với nước cất. Cần làm lạnh ngay sau khi thu được nước cất và bảo quản ngăn mát tủ lạnh tới khi dùng. 
  • Trong hình trên mình lấy ảnh mình trưng nước cất lá trầu không và cây gia vị khác trong vườn để minh hoạ cách mình trưng cất hương thảo. Mình không tìm thấy ảnh trưng cất hương thảo năm xưa nữa. Mong bạn thông cảm nha! 
  • Cách dùng nước cất: Mình trút nước cất vào chai xịt phun sương để dùng làm toner xịt ẩm da hàng ngày, dùng để trộn bột đánh răng hoặc pha vào nước súc miệng. 

Hi vọng những chia sẻ này cũng hữu ích với bạn! 

Bài viết dựa trên trải nghiệm cá nhân và tham khảo nguồn:

thespruce.com

rosemaryshome.com

Close
Your custom text © Copyright 2020. All rights reserved.
Close