Cà tím, đậu phụ om chao

23

Tháng 4, trong vườn mình trồng tươi tốt nhất là đám tía tô tím. Đây là lứa cây con tự mọc từ cây mẹ mình gieo hạt năm ngoái. Nên nó không có hàng lối gì cả, cây nào mọc ở đâu thì cứ lớn lên ở đó, trừ những cây mọc ở lối đi thì mình mới sắp xếp lại. Quan sát vòng đời của cây và nhìn vườn mình biến hình theo mùa là niềm vui thích không thể tả của mình. Vậy nên nhiều món mình làm cũng tuỳ vào vườn hay chợ có gì sẵn, ở đây mình không thể mong cầu có đủ vị trọn vẹn theo một công thức nào đó. Cứ để tự nhiên sắp đặt thôi nhỉ!

Bữa nay mình có cà tím dài, một ít đậu mơ và hũ chao trữ sẵn trong tủ lạnh. Vậy là món cà tím, đậu phụ sốt chao ra đời. Mời bạn cùng thưởng thức!

Trước tiên mình giới thiệu sơ qua về nguyên liệu nếu nó cũng hữu ích với bạn nhé!

Trong các loại cà, thì mình thích nhất cà tím. Trước hết về màu sắc của nó, màu tím sáng bóng thật duyên dáng giữa đám rau xanh. Về bản chất, những rau củ nào càng sậm màu thì hoạt chất chống oxy hoá cũng cao tương ứng. Cà tím giàu kali, magie, beta carotene, chất xơ có dược tính ngăn ngừa tổn thương tế bào, cân bằng đường huyết và tăng cường sức khoẻ đường ruột. Ngoài các hoạt chất chống oxy hoá nhóm polyphenol, cà tím còn giàu axit chlorogenic, axit caffeeic và flovonoid giúp bảo vệ tim trước sự tấn công của các gốc tự do.

Cà tím nhanh hỏng nên hãy chọn quả săn chắc, màu sáng bóng. Lý tưởng nhất là sử dụng ngay khi mua về, để lâu phần ruột cà sẽ xốp và đen hạt. 

Tía tô không chỉ là rau gia vị mà còn là thảo mộc có dược tính cao. Nhiều bằng chứng đã cho thấy cây tía tô có khả năng hỗ trợ chữa bệnh trong điều trị ngộ độc thực phẩm, cúm và viêm đường hô hấp, hen suyễn, tiểu đường, bệnh tim… Đặc biệt, lá tía tô có chứa một lượng lớn luteolin. Thành phần này có bản chất tương tự như một chất chống oxy hóa flavonoid. Ngoài ra, các hợp chất triterpene và axit rosmarinic cũng có nhiều trong tía tô. Những chất này đã được nghiên cứu là có bằng chứng chống lại các tế bào ung thư tiềm ẩn trong cơ thể.

Chao còn gọi là đậu phụ nhự hoặc đậu hũ nhũ, là một loại thực phẩm lên men có xuất xứ từ Quảng Đông, Trung Quốc. Sản phẩm này được làm từ đậu hũ và lên men để tạo ra lớp vỏ mềm mại với vị béo đặc trưng. Chao thường được ăn kèm với các loại rau củ cho những người ăn chay nhưng cũng hay dùng nấu các món mặn như thịt vịt, thịt lợn… Chao cung cấp cho cơ thể một lượng đáng kể protein thủy phân (khoảng 12 – 22%), axit amin tự do, chất béo, carbohydrate, thiamine, axit oxalic và riboflavin. Ngoài ra, chao còn chứa phốt pho, các thành phần dinh dưỡng khác và đặc biệt là không chứa cholesterol. Mình có thể ăn trực tiếp bằng cách lấy chao, thêm ít nước chao, đường, chanh và ớt tươi, trộn đều và sử dụng làm nước chấm cho các món rau luộc, đậu chiên, cà chua hay dưa leo; cũng có thể kết hợp với món ăn nấu chín như: xào rau muống, cải, măng tây hoặc các loại rau khác để tăng thêm hương vị cho món chay của mình.

Có 2 loại chao: chao trắng và chao đỏ. Quá trình sản xuất chao đỏ và chao trắng là hoàn toàn giống nhau, bắt đầu bằng cách sấy khô đậu hũ và sau đó đưa vào ủ lên men tự nhiên trước khi thêm gia vị vào. Tuy nhiên, chao đỏ khác với chao trắng ở chỗ nước ngâm của nó có chứa cơm gạo đỏ, tạo ra sự khác biệt về màu sắc, độ đặc và hương vị. Chao đỏ được làm từ men Monascus purpureus, giúp giảm cholesterol và dễ tiêu hóa hơn do các chất dinh dưỡng đã được thủy phân. Ngoài ra, chao đỏ còn có mùi vị đặc trưng và hương vị đặc biệt khi chế biến. Tuy nhiên, chao trắng cũng cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng từ đậu nành và có thể phù hợp với những người thích hương vị nhẹ nhàng hơn. Trong cả hai trường hợp, cả chao đỏ và chao trắng đều là lựa chọn tốt cho sức khỏe.

Cà tím, đậu phụ om chao

Cà tím, đậu phụ om chao là món ăn kèm dinh dưỡng, cung cấp nhiều chất xơ, béo, protein, phù hợp ăn kèm cơm nóng hay trộn mì sợi. Bạn thử đổi món với gợi ý này nhé! 
Thời gian chuẩn bị 15 minutes
Thời gian nấu 20 minutes

Dụng cụ

  • Bát to
  • Chảo rán
  • Nồi/chảo xào

Nguyên liệu
  

  • 3 quả cà tím cỡ vừa
  • 3 miếng/bìa phụ, cắt lát vừa ăn
  • 1 thìa cà phê (tsp) chao trắng hoặc đỏ
  • 3 nhánh tỏi, đập giập
  • 1 tsp muối/tương xì dầu
  • 1/4 tsp đường
  • 1 nắm lá tía tô, cắt nhỏ
  • 1 chén nước lọc 
  • Dầu rán (mình dùng dầu lạc ép thủ công)
  • Thêm ớt hoặc tương ớt (tuỳ ý)

Hướng dẫn
 

  • Cà tím rửa sạch, cắt lát vừa ăn. 
  • Ngâm cà vào chậu nước muối, thêm 1 thìa giấm hoặc chanh để loại bỏ nhựa trong khoảng 15-20 phút. Vớt cà ra rổ để ráo. 
  • Làm nóng chảo, cho dầu vào chảo, rán đậu, cà tím vàng 2 mặt. 
  • Phi thơm tỏi với một chút dầu ăn ở nồi/chảo khác. (Mình thường dùng chảo rán và chảo xào khác nhau tránh để nhiễm muối mặn vào chảo rán, nếu chảo của bạn phù hợp để rán và xào cùng lúc thì không cần đổi).
  • Trút cà và đậu vào chảo, thêm chao đã nghiền nhuyễn, nêm gia vị đường, xì dầu, ớt tuỳ khẩu vị. Đảo đều cho các nguyên liệu ngấm gia vị. Thêm 1 chén nước lọc để cà mềm, ngấm gia vị hơn. 
  • Đun nhiệt cao trung bình đến khi cà chín mềm như ý, thêm tía tô cắt nhỏ vào chảo, đảo đều khoảng 20 giây cho rau vừa chín tới. Trút cà ra đĩa, dùng nóng. 
Close
Your custom text © Copyright 2020. All rights reserved.
Close