Trà táo mùa thu

64

“Xuân sinh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàng”, mùa thu là thời điểm “rút lại” năng lượng dương trong tự nhiên chuyển từ phân kỳ sang hội tụ, con người dễ có cảm giác trùng xuống, thu rút lại. Theo Ngũ hành Y học cổ truyền Trung Quốc, cơ quan tương ứng với mùa thu của con người là phổi. Thời tiết hanh khô vào mùa thu dễ làm ảnh hưởng phổi âm, hay mắc cảm lạnh, cúm và tắc nghẽn đường hô hấp.

Trong “Hoàng đế nội kinh” viết rằng “tảo ngoạ tảo khởi, dữ kê câu hưng, sử chí an ninh, dĩ hoãn thu hình, thu liễm thần khí, sử thu khí bình, vô ngoại kỳ chí, sử phế khí thanh, thử thu khí chi ứng, dưỡng thu chi đạo dã”. Ý là: Con người nên ngủ sớm và dậy sớm, dậy cùng lúc với gà gáy, để cho thần chí được an tĩnh, giảm bớt ảnh hưởng của khí thu; phải thu gom thần khí, để cái khí thu được bình hòa; đừng mất sự tập trung tinh thần, để khí của phổi thanh tĩnh; như vậy sẽ thích ứng với khí hậu mùa thu, cũng là Đạo dưỡng thu vậy.

Mùa thu thuộc kim, ứng với Phế (phổi), chức năng của phổi là phân tán, điều tiết khí của cả cơ thể. Thời tiết mùa thu chính là tương hợp với chức năng của phổi, là để chuẩn bị cho việc trữ tàng vào mùa đông. Trong Ngũ hành thì Kim sinh Thủy, khí ở phổi được thu và hạ đúng mức mới có thể khiến dương khí được phong bế và tích trữ ở thận, để chuẩn bị cho sự sinh trưởng trong năm tới. Do đó, việc dưỡng phổi trong tiết thu đông có thể đặt một nền tảng tốt cho cơ thể. 

Đối với việc dưỡng phổi từ góc độ ẩm thực, vì mùa thu có đặc điểm hanh khô nên có thể bổ sung một số thực phẩm “màu trắng” và “dưỡng ẩm” để nhuận phế (làm ẩm phổi), vì màu trắng đi vào phổi. Ví dụ như các loại như lê, táo, nho, hồng, chuối, đào, chanh đào, củ sen, hạt sen, nấm tuyết, ý dĩ, kê, hạt dẻ, mè, mía, mật ong, quả óc chó, hạnh nhân, củ cải, súp lơ trắng, hành tây, đậu bắp, bí đỏ, bí xanh… và các thực phẩm giàu chất đạm như thịt gà, cá, đậu nành (lên men), đậu đen và các thành phần bổ phế nhuận vị như sữa dê, mộc nhĩ đen. 

 Ngoài ra, vào mùa thu nên hạn chế đồ uống sống và lạnh như kem, đồ uống có đá, giảm ăn các món muối chua, những thức ăn quá cay, nướng, chiên, chú ý giữ ấm và phòng gió. Bởi khi cơ thể bị lạnh mà ăn lạnh thì phổi sẽ dễ tổn thương. 

Processed with VSCO with a6 preset

Tuy nhiên các món ăn, đồ uống thảo mộc thường ít hấp dẫn nhất là với con trẻ, nên mình có xu hướng vận dụng trái cây ngọt và một chút gia vị ấm để dễ dụ chúng. Trong số đó có trà táo quế ấm thơm, dễ uống, dễ làm. Đồ uống này thích hợp để thưởng thức sau bữa ăn hoặc cùng bữa xế nửa buổi. Hơi ấm dịu của trà giúp xoa dịu dạ dày, hỗ trợ tiêu hoá, ổn định đường huyết. Nguyên liệu của trà táo quế chủ yếu gồm những thức sau: 

Táo ngọt có thể được bán quanh năm tại siêu thị nhưng mình cảm nhận táo vào mùa cuối năm thơm ngọt đậm đà hơn. Táo như một loại quả biểu tượng của mùa thu đông vậy. Bởi chỉ cần ngắm nhìn sắc táo chín đỏ thôi là đủ thấy ấm áp. Đây là loại quả giàu pectin (một loại chất xơ) và đường phức (đường phân giải chậm) giúp cải thiện sức khoẻ tim và điều hoà đường huyết. Táo cũng chứa hàm lượng cao chất chống oxy hoá, vitamin, khoáng chât và các hợp chất quan trọng giúp xương chắc khoẻ, ngăn ngừa tổn thương thần kinh. Các phần của quả táo đều ăn được. Trong đó phần vỏ chứa tới 50% hàm lượng chất xơ, vitamin và chất sắt có trong quả. Tuy nhiên táo được bày bán thường được phủ một lớp sáp để có thể bảo quản trong thời gian dài. Nên để tránh tối đa hấp thu các chất độc hại, mình ưu tiên chọn táo trồng hữu cơ và rửa sạch trước khi ăn.

Quế hỗ trợ tiêu hoá, điều hoà hàm lượng glucose và triglyceride trong máu. Quế chứa hoạt chất kháng khuẩn giúp ngăn chặn vi khuẩn, nấm. Quế cũng giàu các hoạt chất chống oxy hoá, giảm đau nhẹ và kháng sưng viêm nên đây là thảo mộc được sử dụng nhiều để hỗ trợ sức khoẻ sau cảm cúm, viêm họng, sốt và đau đầu. Mùi hương của quế giúp tăng cường khả năng nhận thức và trí nhớ. 

Gừng có tác dụng kháng sưng viêm, xoa dịu các triệu chứng cảm cúm, đau đầu, buồn nôn, hỗ trợ tiêu hoá nhờ hoạt chất gingerol.

Đường mía thô giàu vitamin, khoáng chất đa vi lượng hỗ trợ quá trình trao đổi chất, phát triển xương, răng, ngăn ngừa rối loạn chuyển hóa. 

Trà táo mùa thu

Trà táo cùng các gia vị dược tính cao không chỉ làm ấm cơ thể, giúp phòng ngừa và phục hồi khi nhiễm lạnh, tăng cường sức đề kháng mà còn thơm ngọt, dễ uống bất cứ lúc nào trong ngày. Bạn cũng linh hoạt biến tấu thêm trái cây, thảo mộc hay lá trà vào cốt trà táo này để có thức uống lý tưởng khi gió lạnh về. 
Thời gian chuẩn bị 30 minutes
Thời gian nấu 30 minutes

Dụng cụ

  • 1 Nồi instant pot hoặc nồi đế dày 
  • 1 Rây lọc
  • 1 Bình có nắp kín

Nguyên liệu
  

  • 2 quả táo đỏ, rửa sạch, bỏ lõi, cắt miếng nhỏ
  • 1 lít nước lọc
  • 1 nhánh gừng nguyên vỏ (khoảng 10 g), rửa sạch, đập giập
  • 1 thanh quế (cỡ 3 cm)
  • 50 g đường, gia giảm theo độ ngọt của táo (nếu dùng mật ong thì cho sau khi ủ)

Hướng dẫn
 

  • Cho táo, nước, gừng, quế, đường vào nồi. Chọn chế độ nấu chậm nhiệt trung bình 1 giờ (với nồi Instant pot) hoặc đun sôi trên bếp rồi giảm nhiệt thấp trong 30 phút, tắt bếp, giữ ấm trong 10 phút nữa.
  • Đổ nước táo vào bình qua rây lọc, bỏ xác táo, gừng, quế. 
  • Uống ấm. Nếu cần giữ lạnh để bảo quản lâu hơn thì đun ấm trước khi uống. 
  • Khi uống có thể thêm vài lát táo, cam/chanh, thảo mộc (lá bạc hà, xạ hương, quế thanh…) để thêm hương vị sảng khoái. 

Lưu ý

Bạn có thể biến tấu với loại quả và gia vị khác theo công thức trên:
  Thay táo bằng lê có tác dụng dưỡng phổi, giàu beta carotene, vitamin B C, kali, pectin tốt cho xương khớp. Lê cũng có lượng đường tự nhiên nhiều hơn các loại trái cây khác.
  Thêm đinh hương cải thiện tiêu hoá, giảm đầy hơi, khó tiêu, buồn nôn, tăng cường miễn dịch theo y học cổ truyền Ayurveda.
– Dùng mật ong hoặc mật dừa, mật phong thay thế cho đường và nên cho sau khi đã ủ xong. 

Bài và ảnh tham khảo 

epochtimesviet.com

poshplate.us

Close
Your custom text © Copyright 2020. All rights reserved.
Close