Làm thế nào cải thiện sức khoẻ hệ bạch huyết?

95

“Hai kẻ thù không đội trời chung của hạnh phúc con người là nỗi đau và sự buồn tẻ”-

Arthur Schopenhauer 

Mình chưa từng để ý tới hệ bạch huyết cho tới khoảng 5 năm trước, sau khi sinh bé thứ 2 và sức khoẻ bắt đầu sụt giảm, dễ hụt hơi, sức bền kém. Những lần đi tới bệnh viện để khám và xét nghiệm không cho kết quả thuyết phục. Điều đó gợi mở cho mình hướng tới thay đổi lối sống theo hướng tự nhiên và cơ bản hơn với các nguyên tắc ăn uống, chăm sóc cơ thể, tập luyện toàn diện. Bên cạnh việc tìm hiểu các chế độ ăn, mình muốn hiểu cách cơ thể vận hành hay điều gì khiến nó khoẻ mạnh hay tự chữa lành. Từ khoá mình được dẫn dắt tới đầu tiên là hệ miễn dịch. Một sức khoẻ tốt phụ thuộc vào hệ miễn dịch khoẻ. Một hệ miễn dịch bị hạ gục có thể khiến một thanh niên đột nhiên trông già xọp và tả tơi. Trong đó, hệ bạch huyết là một phần của hệ tuần hoàn và đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch. Nhưng không giống như máu có tim bơm máu đi khắp nơi, hệ bạch huyết không có “máy bơm tự động” này nên cần được chúng ta hỗ trợ. 

Hệ bạch huyết là gì và nó hoạt động ra sao

Trong cơ thể, chúng ta có nhiều dịch bạch huyết hơn là máu và độ dài các ống bạch huyết cũng lớn hơn so với các mạch máu. Dịch bạch huyết loãng, không màu, chứa huyết tương và các tế bào bạch cầu. Hệ thống này quét sạch các độc tố xung quanh tế bào, lọc bỏ các mầm bệnh và đảm bảo các chất độc hại đến được gan để được làm sạch và rồi đến thận để bị đào thải. 

Hệ thống loằng ngoằng những mạch bạch huyết này đan chằng chịt khắp cơ thể chúng ta xen với các mạch máu. Dọc theo các mạch này có các hạch bạch huyết, các mô sợi dạng lưới. Các hạch này hoạt động như một hệ thống lọc, giữ không cho các vi khuẩn siêu nhỏ xâm nhập vào máu. Có lẽ bạn đã quen thuộc với các hạch ở cổ vẫn sưng lên mỗi khi bị cúm, đó chỉ là một vài trong số hàng trăm hạch bạch huyết rải rác khắp cơ thể bạn. Khi hệ bạch huyết mất hiệu quả, chúng ta có nguy cơ cao hơn bị viêm và xơ cứng động mạch (chứng xơ vữa động mạch). Nếu vận động không đủ để kích thích dòng bạch huyết, các tế bào sẽ bị bỏ bê trong đám chất thải của chính chúng và ngày càng thiếu các chất dinh dưỡng tối quan trọng mà chúng cần. Trạng thái này có thể góp phần gây ra các tình trạng thoái hoá, lão hoá nhanh. 

Một hệ bạch huyết tốt có ích lợi thế nào:

  • Cân bằng chất lỏng cơ thể, hấp thu chất béo
  • Cải thiện khí huyết
  • Cải thiện hiện tượng sần vỏ cam ở da
  • Loại bỏ chất thải tế bào
  • Ngăn ngừa viêm nhiễm và bệnh tật. 
  • Cải thiện những vấn đề liên quan đến hệ miễn dịch: da thâm lâu, viêm lâu, khó lành, viêm khớp, nhức đầu, mệt mỏi mãn tính, viêm xoang, rối loạn tiêu hoá, hạch bạch huyết nở to…

Làm thế nào cải thiện sức khoẻ hệ bạch huyết

Bí quyết để tối ưu hoá sức khoẻ bạch huyết là giữ cho dịch liên tục di chuyển và các ống bạch huyết thông thoáng. 

Bạn có thể kích thích bạch huyết chuyển động bằng những cách sau:

  • Xoa bóp/ massage: sự chà xát của một số dạng xoa bóp mô sâu tập trung vào các vùng bạch huyết ở cổ, ngực, háng và bụng thực sự thúc đẩy bạch huyết. 
  • Tập thể dục: rất tốt cho hệ bạch huyết bởi vì sự co cơ khiến cho bạch huyết chảy qua mạch vào hạch. Ở đó, quá trình thải độc diễn ra khi các tế bào bạch cầu ăn bất cứ thứ gì xâm nhập trái phép. 
  • Hít thở sâu liên tục: Phối hoạt động giống như cái cái ống bễ, kích thích dịch chảy ngược lên phía cổ. Chỉ đơn giản hít vào và thở ra triệt để cũng tạo ra một áp lực lớn bên trong khoang ngực giúp khuếch đại hiệu ứng ống bễ để thúc đẩy dòng bạch huyết mạnh mẽ. 
  • Nhảy trampoline (bạt nhún lò xo): Nhảy bật làm tăng dòng chảy bạch huyết 15 đến 20 lần. Giống như bản năng tự nhiên của những đứa trẻ nhảy trên giường, bật nhảy rất vui. 
  • Tắm nóng lạnh luân phiên: Đầu tiên tăng nước nóng lên mức bạn có thể chịu được một cách thoải mái. Sau đó, chuyển nước sang bênh lạnh một chút và xối nước vào chân, dần dần đưa nó lên trên. Kết thúc bằng cách lau khô và cảm nhận sức sống bên trong mình. 
  • Chải da khô: Đây là một cách làm nhanh chóng, mạnh mẽ và dễ dàng để hỗ trợ cho quá trình thải độc tự nhiên thông qua kích thích bạch huyết và cải thiện tuần hoàn. 

Vì những lợi ích to lớn của liệu pháp chải da khô, mình sẽ nói chi tiết hơn dưới đây. 

Chải da khô (chải khô cơ thể) là gì?

Chải da khô rất phổ biến ở các spa châu Âu, Á, cũng như nhiều trung tâm điều trị trên khắp thế giới. Người dân ở Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Scandinavi, Ai Cập, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản đã sử dụng biện pháp này từ nhiều thế kỷ. Phương pháp này đặc biệt hữu ích cho những ai có dấu hiệu như mệt mỏi, uể oải về thể chất lẫn tinh thần, chậm chạp, hay táo bón hoặc hệ miễn dịch bị quá tải…

Phương pháp này cũng vô cùng tuyệt vời cho cơ thể vào thời điểm mùa xuân trong năm. Theo quan điểm tự nhiên, mùa đông là thời điểm chất nhầy trong cơ thể có xu hướng đóng vón do nhiệt độ, nên khi xuân đến, chất nhầy bắt đầu “tan chảy” dễ gây ra một số bệnh như chảy nước mũi, ho, đờm… Chải da khô được sử dụng để khuyến khích sự vận động và loại bỏ “nước nhầy” dư thừa trong cơ thể. Bên cạnh việc cải thiện hệ miễn dịch, nó còn mang đến vẻ đẹp khoẻ mạnh cho người phụ nữ hiện đại: 

  • Tăng khả năng tuần hoàn trên bề mặt da
  • Giảm mỡ dưới da
  • Loại bỏ tế bào chết một cách nhẹ nhàng
  • Hỗ trợ hình thành tế bào mới, giúp da mềm mại, mịn màng
  • Hỗ trợ loại bỏ da sần cục bộ
  • Trẻ hoá hệ thần kinh bằng việc kích thích những tế bào thần kinh trên da
  • Loại bỏ hiện tượng tắc nghẽn nang lông, tăng khả năng hấp thụ dinh dưỡng, không khí thông qua da

Làm sao để chải da đúng cách?

Mỗi sáng thức dậy, hãy tặng bản thân mình tâm trạng thoải mái, yêu thương cơ thể. Chọn một nơi thật phù hợp để cảm thấy yêu thương bản thân hơn, quan sát toàn bộ cơ thể, chú ý những điều sau trước khi bắt đầu chải khô cơ thể:

  • Nếu trên da có hiện tượng viêm nhiễm như vết thương hở, da cháy nắng… thì đừng nên thực hành chải khô cơ thể. 
  • Nếu cơ thể có hiện tượng sưng hạch bạch huyết thì đừng nên tiến hành chải khô cơ thể.
  • Khi chải khô cơ thể, tránh những nơi bạn cảm thấy làn da quá nhạy cảm như ngực hay bộ phận sinh dục.
  • Nếu bạn có thai, luôn phải có sự tư vấn của bác sĩ trước khi sử dụng. 
  • Việc da có thể hơi ửng đỏ là điều bình thường khi cơ thể phản ứng với việc tăng tuần hoàn máu tại vùng được chải. 
  • Trong một số trường hợp, khi cơ thể thải độc sẽ có một số hiện tượng khác lạ, vui lòng liên hệ tư vấn chuyên môn để hỗ trợ
  • Tuỳ tình trạng da, tần suất thực hiện có thể là hàng ngày hoặc thưa hơn. 

Việc chải khô cơ thể được khuyến khích thực hiện vào buổi sáng trước khi bạn tắm bởi khả năng mang lại năng lượng cho một ngày đồng thời loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể. Để thưc hiện chải da khô, tất cả những gì bạn cần là một chiếc bàn chải lông tự nhiên, găng tắm, xơ mướp hoặc thậm chí là một chiếc khăn mặt xù xì. Nhưng tốt nhất là dùng vật liệu thiên nhiên từ sợi cọ Nhật Bản. 

Bước 1: 

Bắt đầu ở khu vực bàn chân và luôn chải theo chiều chuyển dộng hướng lên trên và hướng dòng chảy bạch huyết về hạch bạch huyết như hình. Với cách chải như trên, chất độc sẽ được loại khỏi hệ bạch huyết và đào thải ra ngoài. Chải từ đầu ngón chân về tới gót chân. Chải cả mu bàn chân và lòng bàn chân.

Bước 2:

Chải khu vực chân dưới đầu gối. Chia chân ra làm 4 phần: Trước, sau, trong, ngoài. Bắt đầu chải từ bàn chân lên phần đầu gối cho các mặt: trước, sau, trong, ngoài. Mỗi lần chải từ 3 đến 5 lần về phía hạch bạch huyết ở đầu gối. 

Bước 3:

Chải phần trên đầu gối: tương tự, chải từ đầu gối hướng lên trên về phía hạch bạch huyết tại bẹn. Chải mặt trước, sau, trong, ngoài từ 3 đến 5 lần. 

Bước 4:

Chải mông và thắt lưng dưới. Chia thân thành nửa bên trái, nửa bên phải. Chải từ mông hướng lên trên, ra ngoài cả 2 bên trái, phải của cơ thể như hình. Phần trước cơ thể, chải từ rốn hướng xuống vùng hạch bạch huyết như hình. Chải hai bên hông liền đùi hướng lên trên về phía hạch bạch huyết tại nách. 

Bước 5: 

Chải phần thân trên thắt lưng (trên rốn). Tương tự chia cơ thể thành 2 phần, nửa bên trái và nửa bên phải từ thắt lưng trở lên tới dưới vai vài cm, cả mặt trước và mặt sau cơ thể. Chải từ thắt lưng trở lên từ trong ra ngoài hướng đến hạch bạch huyết ngay tại nách. Mặt trước cơ thể tương tự, chải từ rốn lên trên ra ngoài hướng tới vùng bạch huyết tại nách. Chải từ 3- 5 lần mỗi mặt.

Bước 6:

Chải vùng gần vai và trước ngực. Khu vực 2 cm tại vùng vai chải hướng lên trên ra ngoài, hướng tới khu vực sau tai và sau chân tóc như hình. Mặt trước cơ thể, chải từ phía ngoài vai đi vào hướng lên đến hạch bạch huyết dưới khu vực cổ họng khoảng 1 cm. Chải từ 3-5 lần mỗi mặt.

Bước 7:

Chải bàn tay và cánh tay. Chải từ những ngón tay ở bề mặt trên bàn tay hướng lên trên phần cùi chỏ như hình. Chải bàn tay từ ngón tay đến khu vực hạch bạch huyết mặt trước cùi chỏ. Tiếp tục chải từ khu vực cùi chỏ lên trên hạch bạch huyết tại nách cả mặt trước và sau của tay. 

Bước 8: 

Dùng tay hoặc chổi dành riêng cho mặt tán đều bạch huyết vùng mặt ra sau gáy và 2 bên cổ như hình. 

Có thể bạn sẽ thắc mắc: Vì sao không chải luôn dưới vòi sen cùng ít xà phòng, nhất cử lưỡng tiện? Chải da ướt sẽ làm da bị giãn và tác dụng loại bỏ da chết không hiệu quả bằng chải da khô. 

Mến chúc bạn luôn mạnh khoẻ từ trong ra ngoài!

Bài viết tổng hợp từ:

Sách Thực dưỡng for dummies – Verne Varona – Hoàng Lan dịch, NXB lao động

Tài liệu Liệu pháp chải khô cơ thể (Essensian holistic healthy & beauty)

Ảnh minh hoạ: pinterest.

Close
Your custom text © Copyright 2020. All rights reserved.
Close