Bánh chưng gấc tempeh đậu gà

79

“𝑻𝒉𝒊̣𝒕 𝒎𝒐̛̃, 𝒅𝒖̛𝒂 𝒉𝒂̀𝒏𝒉, 𝒄𝒂̂𝒖 đ𝒐̂́𝒊 đ𝒐̉
𝑪𝒂̂𝒚 𝒏𝒆̂𝒖, 𝒕𝒓𝒂̀𝒏𝒈 𝒑𝒉𝒂́𝒐, 𝒃𝒂́𝒏𝒉 𝒄𝒉𝒖̛𝒏𝒈 𝒙𝒂𝒏𝒉.”
Tết cổ truyền đã giản lược đi rất nhiều trong cuộc sống hiện đại, tuy nhiên hình ảnh quê hương trong những món ăn ngày Tết là những gì còn mãi với thời gian, trong đó không thể không nhắc tới bánh chưng.

Có thể thấy bánh chưng giờ có quanh năm, từ thương hiệu cao cấp tới bình dân đã làm chúng ta có phần thờ ơ, chán ngấy với nó rồi đúng không?! Nhưng với mình, đúng thời điểm này trong năm, làm và ăn bánh chưng là một niềm vui thật khó diễn tả hết bằng lời. Bởi nó nhắc mình về sự gắn kết với tự nhiên, truyền thống văn hoá của dân tộc Việt, với những kỷ niệm tuổi thơ và không khí đoàn tụ gia đình. Khi còn ở với mẹ, mình luôn làm chân lăng xăng quanh chiếu bánh chưng xem mẹ gói và thêm nước sôi, thay than, canh bánh…giúp mẹ. Đến khi xa nhà thì mới chính thức tự làm từ A tới Z và thấy thật ngưỡng mộ người xưa sáng tạo nên thức ngon và ý nghĩa tới vậy. Bánh chưng được gói từ lá dong xanh bên ngoài, nếp dẻo thơm, đỗ xanh bùi bở và thịt lợn đậm đà bên trong tượng trưng cho mặt đất phẳng, xanh mướt, trù phú nuôi dưỡng vạn vật. Chỉ một miếng bánh nhỏ nhưng từ màu sắc tới dinh dưỡng (đủ đạm, béo, đường, cay) đều cân bằng, hài hoà với khí trời mùa này.

Ở nhà mình năm nào đến Tết, mẹ mình cũng tự gói bánh chưng dù nhiều hay ít và đặc biệt luôn có vài chiếc nhân ngọt. Bánh mẹ gói lúc nào cũng chỉn chu, cẩn thận từ lúc lựa nguyên liệu tới lúc luộc xong nên với mình đó là vị bánh chưng ngon nhất không đâu bằng. Giờ có gia đình riêng ở xa mẹ, nên có lúc mình cũng tự gói vài chiếc lấy không khí Tết nhà. Năm nay ngoài bánh chưng truyền thống, mình làm thêm bánh vị gấc với nhân từ tempeh đậu gà tự làm. Và để hợp khẩu vị miền Bắc, mình làm nhân ngọt cho bánh gấc. Một chút biến tấu ở phần vị bánh nhưng vẫn đảm bảo bánh dền dẻo, đủ đạm béo cho những ai không thích ăn thịt. Vỏ ngoài nhuộm màu đỏ từ gấc, không chỉ dinh dưỡng mà còn tượng trưng cho may mắn sẽ tới trong năm mới. Có bánh chưng gấc rồi thì mình cũng không cần phải đồ thêm xôi gấc cúng giao thừa nữa bạn nhỉ!​

Công thức này làm được 3 chiếc bánh to, vừa đủ để luộc 1 mẻ trong nồi áp suất điện Instant Pot. Mình thêm tempeh đậu gà vào phần nhân để đủ đạm tốt cho bánh, nếu không sẵn có bạn có thể chỉ dùng nguyên đậu xanh tuỳ ý. Khi gói mình chỉ gói vo theo cách của mẹ chứ không dùng khuôn gói. Tuỳ bạn quen cách nào nhất thì làm theo nhé! Về khoản luộc bánh chưng, mình còn rất ưng chiếc nồi áp suất nữa, nó giúp công đoạn này nhàn tiện sạch sẽ hơn bao phần mà bánh vẫn đủ mềm, dền như luộc than, củi dù thời gian cũng tương đương nhau. Bạn nên luộc bánh trên 10 tiếng để bánh không bị lại gạo sớm nhé! Và thêm 1 bí quyết “nhà hàng” khi luộc bánh chưng cho bạn ở đây, đó là bánh chín xong, bạn không nên vớt bánh và rửa ngay mà nên ngâm trong nước luộc đó đến khi nguội rồi mới vớt bánh để ráo, cũng không cần rửa nước lọc bên ngoài bánh đâu nhé! Giờ mình cùng chuẩn bị gói bánh nào, hơi lích kích tí nhưng thành quả rất xứng đáng ạ!

Bánh chưng gấc tempeh đậu gà

Bánh chưng gấc tempeh nghe là lạ nhưng vị đủ thơm ngon, ngọt bùi và cũng hợp với ngày Tết lắm. Nếu bạn thích đồ nếp và ưa ngọt nhẹ thì hãy thử vị bánh chưng gấc xem nhé!
Thời gian chuẩn bị 1 day
Thời gian nấu 12 hours

Dụng cụ

  • Rá vo và để ráo gạo
  • Nồi hấp đỗ
  • Cối, chày để nghiền đỗ
  • Nồi áp suất

Nguyên liệu
  

  • 750 g gạo nếp cái hoa vàng
  • 350 g đỗ xanh xát vỏ
  • 250 g gấc (đã hạt)
  • 2 thìa ăn phở (tbsp) rượu gạo
  • 100 g tempeh đậu gà, rán vàng nhẹ
  • Đường mía thô hoặc cát lu (cho ngọt tuỳ ý bạn)
  • 5 tbsp dầu dừa tinh luyện (hoặc dầu thực vật hoặc mỡ lợn/gà sạch) tuỳ ý bạn
  • 1 chút muối biển thô
  • Lá dong, dây lạt mềm, rửa sạch

Hướng dẫn
 

  • Ngâm gạo: Đãi, rửa gạo dưới vòi nước, để ráo 30 phút trước khi ngâm. (Giống đồ xôi, bước này giúp hạt gạo mềm, căng mọng mà không bị nát). Ngâm gạo ngập nước thêm vài hạt muối trong khoảng 8 tiếng hoặc qua đêm. Đổ gạo ra rá và rửa sạch gạo dưới vòi nước. Để hạt gạo ráo sạch nước và se se lại trong khoảng 1 giờ. Xóc gạo với một chút muối thô cho vừa đậm theo khẩu vị bạn. (Phần muối này không tạo vị mặn mà góp phần tạo vị ngọt đậm đà, cân bằng hơn với phần nhân bánh).
  • Ngâm đỗ xanh: Rửa sạch đỗ, ngâm ngập nước với một chút muối từ 2- 6 tiếng. Đổ đỗ ra rá, rửa sạch nước ngâm và để ráo trước khi đồ chín.
  • Rửa lá dong: Lá dong dùng khăn mềm rửa sạch các mặt và kẽ lá dưới vòi nước. Buộc túm cuống lá và treo lên cao để ráo.
  • Trước khi gói bánh: dùng khăn sạch khô lau khô toàn bộ các mặt lá gói, dùng dao sắc cắt gọt phần cuống lá. Lá gói bánh sạch khô sẽ giúp bảo quản bánh lâu hơn và tạo cảm giác bánh ngon hơn. Bạn giữ lại cuống lá để lót nồi luộc bánh nhé!
  • Nhân bánh: Đồ chín đỗ xanh bằng nồi hấp. Xúc đỗ ra cối, giã nhuyễn đỗ cùng tempeh. Thêm đường, dầu ăn trộn đều. Bạn nhớ nếm thử cho vừa khẩu vị của mình nhé! Chia nhân bánh thành 3 phần, nặn tròn đều.
  • Vỏ bánh: Gấc xay nhuyễn với rượu gạo. Bạn đừng quên cho rượu vào gấc nhé! Phản ứng hoá học giữa chúng tạo màu đỏ đẹp cho xôi đấy. Trộn đều hỗn hợp gấc với gạo đã để ráo.
  • Gói bánh: Bạn xếp một lá xanh, to nằm ngang và quay mặt xanh xuống dưới, đặt 1 dây lạt nằm ngang lên trên, tiếp theo xếp 1 lá dong lên trên với mặt xanh hướng lên trên, đặt tiếp 1 lá xong vuông góc với lá vừa đặt với mặt xanh quay lên trên.
  • Lấy 1/6 gạo gấc đổ vào phần giữa lá gói, đặt tiếp nhân đỗ dàn lên trên mặt gạo, đổ tiếp 1/6 phần gạo lên trên. Dùng 2 tay cuộn 2 đầu lá nằm ngang vào giữa, cố định phần này bằng dây lạt đã đặt sẵn.
  • Gấp tạm 2 mép lá ở 1 đầu lá nằm dọc tạo thành 3 cạnh vuông rồi dựng bánh lên, vỗ nhẹ vào thành lá cho gạo dàn đều. Gấp gọn gàng phần lá ở đầu trên tạo thành cạnh vuông thứ 4 của bánh.
  • Xoay ngược đầu bánh đã gấp gọn xuống dưới, mở phần cạnh lá đối diện, vỗ lại vào thành bánh cho gạo dàn đều. Cuộn và gấp chặt đầu lá tạo cạnh vuông cuối cùng cho bánh.
  • Lúc này tháo dây lạt buộc tạm lúc nãy và buộc giữ chặt 2 đầu lá mới. Bước đầu bạn có 1 chiếc bánh vuông vức rồi.
  • Dùng chiếc lá cuối cùng gói bên ngoài tạo màu xanh đẹp mắt và tạo lớp lá dày bảo vệ bánh chắc chắn hơn. Buộc thêm 3-4 dây lạt bên ngoài để giữ chắc bánh. Làm tương tự với các phần nguyên liệu còn lại.
  • Lưu ý chỉ cài dây lạt về 1 phía để dễ buộc bánh khi luộc tránh làm rách lá gói.
  • Xếp bánh vào nồi: Úp 2 mặt có phần cài dây lạt của 2 chiếc bánh quay vào nhau. Buộc chặt cố định 2 chiếc bánh để bánh không bị cọ làm rách lá hay xô dịch trong nồi. Lót cuống lá xuống đáy nồi, xếp dựng đứng bánh vào nồi. Lưu ý không xếp bánh nằm ngang và chồng lên nhau tạo sức ép khiến bánh bên dưới bị rách, bẹp. Dùng cuống lá để chèn vào các chỗ trống trong nồi giữ cho bánh không bị nổi lên và đảm bảo luôn ngập trong nước khi luộc.
  • Luộc bánh: Đổ nước sôi ngập bánh. Ngâm bánh trong nước khoảng 30 phút cho ngấm trước khi luộc. Mình cài chế độ nấu chậm (Slow Cook) của nồi Instant pot trong 7 tiếng. Tắt nồi, xả van, mở nắp, xoay ngược chiều bánh và nấu tiếp 5 tiếng cùng chế độ. Tắt nồi. Để bánh nguội thêm trong nồi nếu được. Vớt bánh ra giá phơi bánh, dùng vật nặng để ép cho bánh ráo nước đến khi bánh nguội hoàn toàn. Dùng khăn khô sạch lau khô bên ngoài vỏ bánh.
  • Bảo quản bánh nơi thoáng gió trong 2-3 ngày ở nhiệt độ phòng, để ngăn mát tủ lạnh trong 1 tháng hoặc ngăn đông nếu muốn để lâu hơn.
  • Cắt bánh và thưởng thức: Khi ở nhà, mình hay cắt bánh thành khoanh vuông thế này để ai thích ăn bánh nhiều nhân hoặc nhiều vỏ cũng đều được, khỏi tranh nhau ^^
Close
Your custom text © Copyright 2020. All rights reserved.
Close