Ăn trái cây theo Ayurveda 

86

“When diet is wrong, medicine is of no use. When diet is correct, medicine is of no need.

Ancient Ayurveda

Không phải tự nhiên mà bệnh viện, tiệm thuốc tây ngày càng nở rộng, ngày càng nhiều người từ già tới trẻ phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khoẻ từ ung thư, tim mạch, huyết áp, tiểu đường, thần kinh, cơ xương khớp… tới các chứng bệnh tiêu hoá hàng ngày như đầy bụng, trào ngược, đau dạ dày, táo bón, ợ chua và mệt mỏi sau khi ăn… Nên mình đặc biệt hứng thú với hệ thống y học Ayuverda, khám phá những bí mật y học cổ xưa, tìm hiểu kỹ năng để sống hoà hợp với thể tạng của cơ thể, hoà hợp với tự nhiên, trở về lắng nghe chính mình. Mình sẽ dần tiếp cận và thực hành những phương pháp y học thay thế trong cuộc sống thường ngày, nghiên cứu cách chăm sóc sức khoẻ sử dụng thảo dược tự nhiên truyền thống của người xưa.

Những ghi chép cổ nhất về Ayurveda bắt nguồn từ Ấn Độ và đã có hơn 5000 năm lịch sử, được xem là “tri thức về cuộc sống”, dựa trên sự hiểu biết sâu rộng về cách thức vận động của tự nhiên và những nhịp điệu cùng chu kỳ điều chỉnh tất cả cuộc sống của muôn loài trên trái đất. Các lời khuyên, gợi ý cho cuộc sống lành mạnh này thực sự thực tế, phù hợp với bất kỳ ai muốn cải thiện sức khoẻ toàn diện về cả thể chất, tinh thần và tâm linh. 

Ayurveda đưa ra những hướng dẫn lựa chọn, kết hợp thực phẩm cân bằng với thể tạng, lối sống và chế độ sinh hoạt theo chu kỳ tự nhiên để giúp cơ thể và tâm lý của mình duy trì hoạt động ổn định trong sự cân bằng hoàn hảo. Nhưng khoan nói tới những cách xác định thể tạng hay thay đổi hoàn toàn chế độ ăn uống, sinh hoạt, tập luyện. Mình tò mò đầu tiên tới cách họ chọn thực phẩm như thế nào, trong đó có trái cây – vốn có nhiều quan niệm và thói quen sử dụng khá tranh cãi trong nhiều trường phái dinh dưỡng hiện nay. 

Ayurveda nói gì về trái cây?

Theo Ayuveda, hệ thống tiêu hoá của con người được thiết kế để xử lý các loại thực phẩm gần gũi với tự nhiên nhất- hạt nguyên cám, đậu, trái cây và rau quả. Chúng chứa nhiều chất dinh dưỡng thực vật, nhiều màu sắc, hương vị và cấu trúc để kích thích các giác quan. Ayurveda luôn khuyên ăn nhiều trái cây và rau củ quả, không chỉ vì giá trị dinh dưỡng của chúng mà còn vì chúng có tác dụng thanh lọc cơ thể một cách tự nhiên. Nghiên cứu hiện đại cũng công nhận rằng trái cây và rau quả đều là các thực phẩm tốt nhất giúp ngăn ngừa bệnh tật, phòng ngừa ung thư và các bệnh do gốc tự do gây ra. 

Trái cây là nhóm thức ăn được tiêu hoá nhanh nhất trong các loại thức ăn, chỉ cần khoảng 1 giờ đồng hồ để tiêu hoá hết lượng trái cây mình ăn vào. Trong trường hợp trái cây được ăn sau bữa chính sẽ phải chờ để tiêu hoá (có thể lên tới 6 giờ) sẽ gây ra sự lên men từ đó tạo ra lượng khí và đầy hơi lớn. Điều này sẽ tiêu diệt vi khuẩn tiêu hoá có lợi và kích thích việc sản sinh vi khuẩn tiêu hoá có hại. Thức ăn không được tiêu hoá đúng cách sẽ trở thành nguyên nhân chính gây ra bệnh tật.

Vậy nên ăn trái cây củ quả như nào để giữ lượng dinh dưỡng tốt nhất cho sức khoẻ? Ayurveda đưa ra một số lời khuyên đơn giản nhất như sau:

  1. Ăn trái cây riêng biệt khỏi bữa ăn chính để ngăn ngừa sự lên men trong dạ dày. 
  2. Nhai trái cây tốt hơn là uống nước trái cây, ngoại trừ những người bệnh mất cân bằng điện giải, nằm liệt giường hoặc người già chỉ có thể uống nước. Còn lại chúng ta nên ăn trái cây nguyên quả và tận hưởng tất cả hương vị cũng như dinh dưỡng của chúng. 
  3. Không ăn trái cây trong và sau bữa tối. Lí do là buổi tối là giai đoạn Kapha – trong thời gian này, trái cây khó tiêu, gây đầy bụng, ợ chua và có thể làm mất cân bằng dosha (nguồn năng lượng). Thời điểm tốt nhất để thưởng thức trái cây là buổi sáng và khi bụng rỗng. Nên ăn trước hoặc sau bữa ăn ít nhất 2 tiếng. 
  4. Không ăn chung trái cây với sữa bò ngoại trừ xoài chín và quả bơ. Ayurveda gọi sự kết hợp trái cây với sữa là virudhha ahara (thực phẩm không tương thích). Ví dụ: không nên trộn lẫn quả mọng với sữa, thậm chí cả quả ngọt như chuối vì nó khiến đường ruột nặng nề. Trong khi bao tử còn miệt mài tiêu hoá sữa thì trái cây đã được nghiền xong nằm chờ trong bao tử, quá trình chờ sẽ làm cho trái cây lên men, ảnh hưởng không tốt đến cơ thể và ngăn cản quá trình khả năng hấp thu dinh dưỡng của các tế bào
  5. Trái cây tươi nên ăn vào những ngày có thời tiết ấm, những ngày có thời tiết lạnh nên ăn trái cây sấy khô hoặc trái cây được nấu lên cùng với gia vị.
  6. Trái cây chính vụ và bản địa là lựa chọn hoàn hảo hơn bất kỳ trái cây nhập ngoại. Chúng ta nên ưu tiên ăn trái cây trồng tại địa phương, theo mùa thay vì trái cây nhập khẩu để nhận tối ưu dinh dưỡng, tươi mới với giá thành phù hợp hơn. 

Kết thúc bài này, chúng ta thấy rõ rằng cách ăn trái cây đúng cách hàng ngày không chỉ giúp tận hưởng tối đa dinh dưỡng mà còn góp phần tăng cường sức khoẻ tổng thể. Thưởng thức trái cây toàn phần, tôn trọng sự kết hợp tự nhiên của chúng và hiểu vai trò của thời gian đối với quá trình tiêu hóa, hấp thụ của cơ thể chúng ta góp phần tạo nên một lối sống lành mạnh, có ý thức hơn. Vì vậy, hãy thưởng thức vị ngọt của thiên nhiên một cách chính xác, biến thời gian thưởng thức trái cây thành niềm vui thích hàng ngày. Điều này giúp nuôi dưỡng vị giác của chúng ta đồng thời tăng cường sức khỏe và năng lượng tổng thể. 

Mỗi người nên là bác sĩ cho chính mình.

Chúng ta nên hỗ trợ chứ không nên ép buộc tự nhiên. 

Hãy ăn một lượng vừa phải phù hợp với cơ thể của bạn.

Không có gì tốt cho cơ thể ngoại trừ những gì chúng ta có thể tiêu hoá. 

Loại thuốc nào có lợi cho tiêu hoá? Vận động.

Điều gì sẽ khôi phục sức mạnh? Giấc ngủ. 

Điều gì giúp giảm nhẹ những bệnh không thể chữa khỏi? Sự kiên nhẫn.

Voltaire.

Bài viết tham khảo:

Sách Ayurveda Cân bằng thân – tâm – trí (Danny Cavanach & Carol Willis)

liveswithbalance.com

Pinterest

Close
Your custom text © Copyright 2020. All rights reserved.
Close