Độ 1 – 2 lần trong tuần, mình sẽ nấu một nồi cháo VETULA (vét tủ lạnh) này. Đúng như nghĩa đen của khái niệm này – vét tủ lạnh, mình tận dụng tất cả những gì còn dư thừa có thể nấu thành cháo là cho vào nồi hết. Cảm giác thu được thật “refresh” mỗi khi thanh toán hết số đồ thừa này. Nhưng như thế không có nghĩa là không ngon đâu nhé! Hai em bé nhà mình là người hưởng ứng món cháo này nhất. Món cháo này thích hợp để ăn bữa sáng hay bữa phụ trong ngày.
Thành phần trong món cháo này có những gì? Vì là tận dụng nên mình ít khi cân đong nguyên liệu. Mình giảm dần lượng dùng theo thứ tự từ trên xuống dưới.
Cháo dinh dưỡng
Tuỳ vào nguyên liệu có sẵn mà bạn tự sáng tạo dựa theo khẩu vị của mình! Vì căn bếp không rác thải và cân bằng dinh dưỡng, mình hãy thử nấu cháo thật ngon theo cách này xem nhé!
Dụng cụ
- Nồi áp suất hoặc nồi cơm điện, nồi inox đế dày (tuỳ chọn)
Nguyên liệu
- Cơm gạo thừa (hôm nào có cơm nguội thừa, mình sẽ tích vào các hộp kín để tủ đông.)
- Ngũ cốc các loại yến mạch, kiều mạch, kê…
- Đậu đỗ các loại (bạn có thể ngâm mới hoặc tận dụng phần đậu đỗ đã nấu chín của các món salad, chả chay.)
- Bã hạt sau khi làm sữa (món này thường dư nhiều nhất. Sau khi dùng làm bánh, chả chay các kiểu mà không hết thì bạn cho vào nồi cháo cũng giải quyết được nhiều lắm)
- Rau củ quả ngô, khoai lang, khoai tây, bí đỏ, cà rốt…
Hướng dẫn
- Cho tất cả phần nguyên liệu cơ bản với một nhúm muối nhỏ (không đủ để làm cháo mặn) vào nồi. Đổ nước ngập 2,5 lần so với mức nguyên liệu thô. Mình thường dùng chế độ nấu cháo của nồi áp suất Instant pot hoặc nồi cơm điện để nấu, cháo vừa chín mềm nhừ, vừa không lo phải canh tràn bếp. Đây là phần cốt cháo. Bạn có thể nấu nhiều một lần và chia ra các phần nhỏ cho mỗi lần ăn.
- Nếu muốn ăn cháo mặn, hãy thêm nước dùng, nhân cháo có thể là nấm, thịt, rau thơm, hành lá, muối, tiêu, mắm, xì dầu… vào phần cốt cháo, đảo đều và đun lại trên bếp cho ấm nóng, vừa ăn.
- Nếu muốn ăn ngọt, bạn thêm vào phần cốt cháo thành phần làm ngọt, các gia vị như quế, cốt dừa cho món pudding gạo, thêm chất lỏng như nước hoặc sữa. Cháo ngọt có thể ăn nóng hoặc lạnh tuỳ ý.
Lưu ý
Lưu ý:
- Bạn để đông lạnh cơm thừa càng sớm càng tốt. Khi dùng lại, có thể hấp hoặc nấu cháo vẫn ngon như mới. Sử dụng cơm nguội để nấu cháo chính là cách mình học được khi còn làm ở trường dạy nghề Hoa Sữa. Cháo vừa sánh mềm, hạt gạo nở bung, vừa tiết kiệm thời gian ngâm gạo và ninh cháo so với nấu từ gạo mới.
-
Ngoài nguyên liệu ở trên ra, tuỳ bạn muốn vị cháo mặn hay ngọt sẽ thêm gia vị riêng phù hợp:
- Cháo mặn: dùng thêm nước dùng rau củ quả, nấm xào, muối, tiêu, ớt bột, hành lá, rau thơm…
- Cháo ngọt hoặc pudding: đường thô (đường mía, đường dừa… ), cốt dừa, quế, vani…