Mình đã rất băn khoăn không biết chủ đề này có khiến bạn quan tâm không – một thứ có vẻ không liên quan tới bếp núc như thường thấy trên trang này. Nhưng gốc rễ của sự khoẻ mạnh toàn diện không chỉ giới hạn ở dinh dưỡng nên tuần này mình xin phép nói tới chuyện chăm sóc răng miệng tự nhiên tại nhà và cách mình đã tự tạo kem đánh răng như thế nào nhé!
Mình đã không dùng kem đánh răng và nước xúc miệng thương mại cỡ chục năm rồi. Vì sao?
Kem đánh răng
Nếu bạn có từng đọc nhãn những thành phần nguyên liệu của chúng như khi mua thực phẩm thì trung bình có khoảng 10 hoá chất trong tuýp kem đánh răng. Trong đó đáng chú ý nhất có: fluoride, triclosan, sodium lauryl sulphate, propylene glycol. Những tác dụng phụ của chúng có thể xảy ra như: kích thích ung thư, ảnh hưởng nội tiết tố, tăng sự nhạy cảm của răng, tăng khả năng viêm nướu, đổi màu răng…Cụ thể:
- Triclosan (TCS): là một thành phần chống vi khuẩn được sử dụng trong các sản phẩm kháng khuẩn. Trong một thí nghiệm trên chuột, TCS còn là một chất gây ung thư và xơ gan ở chuột. Triclosan có thể ảnh hưởng xấu đến nồng độ estrogen và tuyến giáp.
- Propylene glycol: là một chất hút ẩm và chống đông. Nó có thể được hấp thụ vào da một cách nhanh chóng, nếu thường xuyên tiếp xúc với chất này người dùng có thể bị ảnh hưởng tới não, thận và gan.
- Sodium lauryl sulphate: một chất làm đặc cũng có thể tìm thấy trong hầu hết các loại xà phòng và bột giặt. Tiếp xúc nhiều với chất này có thể dẫn đến hiện tượng ăn mòn da và kích ứng da, theo địa học American College of Toxicology. Không những thế, chất này còn liên quan tới tiêu chảy và trầm cảm. Bên cạnh đó, nó có thể có ảnh hưởng xấu đến hơi thở, mắt và da.
- Fluoride được tìm thấy trong kem đánh răng và hầu hết nước máy thành phố chảy vào vòi của chúng ta. Sodium fluoride là một sản phẩm phụ từ quá trình sản xuất nhôm. Nó cũng được tìm thấy trong thuốc trừ sâu, hoặc hóa chất thường bị lạm dụng để bảo vệ thực vật và ngũ cốc khỏi sâu bệnh. Fluoride và thuốc trừ sâu là những chất độc tích tụ trong tuyến tùng nhiều hơn bất kỳ nơi nào khác trong cơ thể, tạo thành các tinh thể photphat và một lớp phủ cứng xung quanh tuyến được gọi là CAO HÓA. Nhiều kết luận gây tranh cãi về sự nguy hiểm của việc tiêu thụ fluoride góp phần chủ yếu vào: vôi hóa tuyến tùng, viêm khớp (thông qua vôi hóa sụn), giảm sức khỏe của xương (nhiễm fluorosis xương), viêm hệ thống tuần hoàn và xơ vữa động mạch, làm mất ổn định sự cân bằng khoáng chất trong cơ thể, từ đó gây hại cho tuyến tùng – “con mắt thứ 3 của cơ thể”.

Còn nước xúc miệng thì sao?
Đoạn trích sau mô tả chiến thuật marketing kinh điển của Listerine – cái tên nổi bật nhất trong tâm trí người tiêu dùng trên thế giới – kinh doanh dựa trên nỗi sợ của người khác nhưng cũng có thể thấy rõ hơn nguồn gốc của sản phẩm này.
“Sản phẩm nước súc miệng Listerine xuất phát từ công trình nghiên cứu của Joseph Lister – bác sĩ người Anh và cũng là cha đẻ của chất khử trùng. Vào thế kỷ 19, một bác sỹ người Mỹ tên Joseph Lawrence đã phát minh ra loại chất khử trùng gốc cồn có thể ứng dụng được trong phẫu thuật. Sản phẩm được đặt tên là “Listerine” để vinh danh cha đẻ của nó. Sản phẩm khử trùng này được áp dụng để khử khuẩn các vết thương hở dễ nhiễm trùng.
Thế nhưng, sự ra đời của Listerine hầu như không được đón nhận nhiều từ thị trường. Doanh số “lúc nổ lúc xịt” này khiến hãng phải tìm mọi cách để tăng doanh số cho sản phẩm. Thậm chí, họ còn pha loãng Listerine ra để làm nước lau sàn, nước tẩy rửa chân, và dùng để sát trùng cho các bệnh ngoài da.
Trong giai đoạn 1821-1875, Listerine còn được quảng cáo là có tác dụng chữa trị cảm cúm và đau họng. Nhưng chính nỗ lực này lại khiến hãng bị lãnh phạt từ Hội Đồng Thương Mại Hoa Kỳ vào năm 1976 với lý do là Listerine thực ra không có công dụng chữa trị cảm hay đau họng như quảng cáo.

Tuyệt vọng trước tình hình kinh doanh ảm đạm, cha đẻ Lawrence quyết định bán bản quyền và công thức Listerine cho một dược sĩ cùng quê là Jordan Wheat Lambert vào năm 1981. Ngay sau đó, Lambert quyết định thành lập Công ty Dược phẩm Lambert và bắt tay làm lại cuộc đời cho Listerine. Từ năm 1895, Listerine được quảng bá là sản phẩm chăm sóc và khử trùng răng miệng. Sau đó, Listerine trở thành sản phẩm khử trùng răng miệng đầu tiên được bán cho người dân Hoa Kỳ vào năm 1914.
Đầu tiên, họ nghĩ ra một cụm từ y học để tăng mức độ “nguy hiểm” của chứng hôi miệng. Đó là thuật ngữ “Halitosis” – kết hợp giữa hai từ trong tiếng Latin là “halitus” (hơi thở) và “osis” (dùng để diễn tả các căn bệnh). Từ đó, thuật ngữ Halitosis (chứng hôi miệng) trở thành một căn bệnh chính thức trong y khoa.

Người dân bắt đầu có cảm giác họ đang mắc một căn bệnh thực sự, chứ không phải chỉ là một trạng thái tự nhiên của con người. Và ngay lúc đó, họ nhận thấy rằng trên thị trường hiện chỉ có duy nhất một sản phẩm chữa trị căn bệnh hôi miệng này – đó là Listerine.
Ý tưởng marketing dựa trên nỗi sợ hãi này không chỉ có tác động trực tiếp từ quảng cáo tới cá nhân, mà còn gián tiếp gây sức ép tới từng cá nhân thông qua những người thân, bạn bè xung quanh cá nhân đó. Sẽ chẳng ai ưa một người bị hôi miệng, chẳng ai muốn tiếp xúc, nói chuyện, chứ đừng nói đến chuyện yêu và cưới một người có hơi thở khó chịu.
Rõ ràng là, khi tất cả xã hội đều có chung một mối lo tưởng nhỏ mà không hề nhỏ, thì Listerine xuất hiện như giải pháp “vàng” duy nhất. Hay nói ngắn gọn, Listerine đã thành công trong việc dẫn đường cho khách hàng và trở thành ưu tiên số một của họ khi nghĩ tới một giải pháp đẩy lùi chứng hôi miệng, giúp họ tự tin trong giao tiếp hàng ngày.
Cho đến ngày nay, hôi miệng đã trở thành một “thảm họa” xã hội và Listerine được các chuyên gia đánh giá đã góp phần quảng bá Halitosis còn hơn cả sản phẩm của hãng.
Và chỉ trong 7 năm, doanh thu của Listerine tăng từ 115.000 USD lên tận 8.000.000 USD mỗi năm. Trước khi có Listerine, không ai quan tâm về hôi miệng, nhưng sau chiến dịch này, chỉ tính riêng Hoa Kỳ đã bỏ ra 658,4 triệu USD để phòng tránh “thảm họa” hôi miệng thế kỷ.” – hết trích dẫn.
Giống như thực phẩm công nghiệp, các sản phẩm gọi là “chăm sóc sức khoẻ” cũng giăng ra biết bao ma trận thách thức người tiêu dùng.
Ông bà ta có câu nói: “Cái răng cái tóc là góc con người” thật vô cùng sâu sắc. Răng không phải chỉ là công cụ để nhai nghiền thức ăn đến khi hư hỏng có thể huỷ bỏ thay thế mà còn kết nối với các cơ quan bên trong cơ thể. Có một giai đoạn mình đặt niềm tin tuyệt đối vào các nha sĩ mà không thực sự hiểu về cấu tạo cơ thể, cốt lõi vấn đề răng miệng để phải: trám răng sâu bằng vật liệu chứa thuỷ ngân, mài răng để bọc kim loại bắc cầu răng, nhổ răng khôn… Sau những trải nghiệm trên thân làm mình bắt đầu nghi ngờ “công nghệ nha khoa” tràn lan và tìm hiểu cách người xưa bảo vệ răng miệng tự nhiên như thế nào để khoẻ mạnh thực sự. Trong thâm tâm mình khao khát ở Hà Nội có bác sĩ răng theo trường phái y học toàn diện, chữa lành từ gốc rễ thay vì làm theo phác đồ của hệ thống y dược thương mại.

Một trong những thay đổi đầu tiên của mình là thay thế kem đánh răng công nghiệp bằng kem đánh răng với các thành phần tự nhiên, không gây hại từ: quả cau, trầu không, muối, than hoạt tính, dầu dừa… Kế đó là thay đổi cách ăn uống để làm khoẻ đường ruột (đường ruột bẩn là một trong những nguyên nhân khiến hơi thở có mùi), ăn uống thực vật toàn phần tự nhiên cũng khiến cơ hàm khoẻ và ít bị mảng bám gây sâu răng, nhai dầu mè/dừa để thải độc và làm sạch răng…
Đặc biệt, từ khi đánh răng bằng kem đánh răng tự làm thì mình giản tiện luôn cả việc đánh răng xuống 1 lần/ngày trước khi đi ngủ để bảo vệ men răng và môi trường vi sinh vật khoang miệng. Khoang miệng hôi ngoài vấn đề bệnh lý thì còn do sự mất cân bằng hệ vi sinh vật và thiếu ẩm. Việc đánh răng bằng kem thương mại thường triệt tiêu phần lớn hệ vi sinh vật này, làm khô miệng hơn so với sử dụng các biện pháp tự nhiên dẫn đến khoang miệng không đủ vi sinh vật để giải quyết các vấn đề khoang miệng gây hôi khi ngủ dậy. Sáng hôm sau, mình thường uống nước pha giấm táo và muối nhẹ, cũng có khi chỉ là nước lọc ấm là xong rồi.
Và hơn 3 năm nay kể từ khi đi nhổ chiếc răng khôn đầu tiên và cũng là cuối cùng mình không cần đến nha sĩ lấy cao răng, gần một năm kể từ khi mình tự làm kem đánh răng cho bản thân thì thấy các vết cao răng đen giảm gần hết, răng trắng bóng tự nhiên, không ê buốt răng khi ăn nóng/lạnh. Như thường lệ, những điều mình chia sẻ ở đây là trải nghiệm riêng của bản thân, không thay thế lời khuyên của các nhà chuyên môn.

Làm kem đánh răng tự nhiên tại nhà như thế nào?
Có nhiều công thức tự làm kem đánh răng không hoá chất nhưng mình chọn công thức này vì nguyên liệu sẵn có, thao tác đơn giản, mà hiệu quả và cảm giác dễ chịu khi sử dụng. Ngoài trừ nhược điểm là để lại vết cặn trên bồn rửa thì tự làm kem đánh răng cũng rất tiết kiệm chi phí mua sắm và không phát sinh rác thải nữa. Thật quá dễ dàng và đáng yêu để thuyết phục mình làm ngay. Mời bạn cùng trải nghiệm nhé!
Nguyên liệu sử dụng theo tiêu chuẩn thực phẩm, có thể nuốt được, an toàn cho da gồm có:
- Khoáng sét xanh (bentonite clay): có khả năng hút độc tố, giảm nồng độ axit trong khoang miệng và bổ sung khoáng cho răng như canxi, silica, kali, sắt và magiê nhưng không mài mòn răng. Lưu ý: đất sét bentonite phản ứng với kim loại và mất tác dụng, vì vậy tốt nhất nên sử dụng bát và thìa phi kim loại.
- Dầu dừa: chống vi khuẩn, nấm
- Tinh dầu nguyên chất: chống vi khuẩn, mảng bám. Hãy thoải mái lựa chọn sự kết hợp tinh dầu của riêng bạn – quế, đinh hương, bạc hà và chanh là những hương vị kem đánh răng phổ biến. Nên chọn tinh dầu nguyên chất, hữu cơ.
- Muối biển thô: chống khuẩn, làm sạch và trắng tự nhiên
- Tinh than dừa hoạt tính: khử mùi, làm sạch và trắng răng
- Nước cất trầu không: kháng khuẩn, tiêu viêm, khử mùi
Kem đánh răng tự nhiên
Dụng cụ
- 1 Thìa đong
- 1 Bát & thìa trộn phi kim loại
- 1 Hũ thuỷ tinh sạch
Materials
- 2 tbsp khoáng sét xanh (tbsp: thìa ăn phở)
- 4 tbsp nước cất trầu không
- 1 tbsp dầu dừa ép lạnh
- ¼ tsp tinh than dừa hoạt tính (tsp: thìa cà phê)
- ¼ tsp muối biển
- 15 giọt tinh dầu bạc hà nguyên chất (tuỳ ý)
Hướng dẫn
- rộn đều tất cả nguyên liệu khô trong bát. Từ từ thêm nước cất, dầu dừa vào hỗn hợp, trộn nhuyễn đều tất cả. Thêm nước cất nếu cần hỗn hợp lỏng hơn.
- Thêm tinh dầu. Trộn đều.
- Cho hỗn hợp vào lọ thuỷ tinh có nắp kín.
- Bảo quản nhiệt độ phòng, tránh ánh nắng.
Nguồn tham khảo: